Mô hình ESCO: Thúc đẩy thực hiện các giải pháp TKNL trong công nghiệp

Khoảng 10 hợp đồng ESCO đã và đang được triển khai sau hơn 5 năm thực hiện thí điểm. Bước đầu cho thấy mô hình dịch vụ năng lượng ESCO đem lại hiệu quả tiết kiệm năng lượng (TKNL) lớn cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mà không phải bỏ vốn đầu tư ban đầu để xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng. 
 
Tại buổi hội thảo về tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong các công trình xây dựng được tổ chức mới đây, cán bộ dự án của Công ty dịch vụ năng lượng ESCO (Viet Esco) chia sẻ, ESCO kinh doanh trên hiệu quả năng lượng tiết kiệm được mà doanh nghiệp không cần phải đầu tư nhưng vẫn có thể hưởng lợi. Sự khác biệt của ESCO so với các dịch vụ TKNL khác là tính toàn diện (từ kiểm toán đến triển khai đầu tư các giải pháp, thiết bị hạ tầng,…) cho dự án TKNL của doanh nghiệp. "Có rất nhiều khách hàng quan tâm tới các giải pháp TKNL nhưng lại khó khăn về nguồn vốn chính vì vậy ESCO đã giải quyết cho họ về bài toán này. Họ không phải đầu tư chi phí ban đầu mà lại được một phần tiết kiệm được thì đó chính là những lợi ích mà ESCO đem lại".
 
Tại Việt Nam, Viet Esco đang cung cấp 2 loại dự án TKNL chính từ ESCO, một là dạng hợp đồng đảm bảo mức tiết kiệm - hay còn gọi là bảo lãnh hiệu quả năng lượng - tức là khách hàng là người đầu tư, ESCO làm kiểm toán năng lượng và bảo đảm về mức năng lượng tiết kiệm được. Hai là loại hợp đồng “chia sẻ mức tiết kiệm” - tức là  ESCO sẽ bỏ vốn đầu tư toàn bộ dự án TKNL (từ thiết kế đến vận hành dự án), mức tiết kiệm thu được sẽ chia theo tỉ lệ giữa ESCO và doanh nghiệp.
 
Cuối năm 2015, khách sạn Nikko đã phối hợp với Trung tâm TKNL TP Hồ Chí Mình thực hiện dự án năng lượng ESCO dưới sự tài trợ của Tập đoàn Nê-đô (Nhật Bản). Theo đó, khách sạn Nikko đã được thay thế các thiết bị sử dụng năng lượng trước đó như bơm nhiệt, lò hơi cũng như toàn bộ bóng đèn sợi đốt halogen ở các sảnh chính khách sạn bằng đèn led hiệu suất cao sử dụng ít năng lượng. Ông Nguyễn Bá Quảng - người trực tiếp quản lý năng lượng của khách sạn Nikko Hà Nội cho biết, ngay ở giai đoạn đầu tiên được hoàn thành vào đầu năm 2016 đã cho hiệu quả năng lượng rất rõ rệt. Trước kia toàn bộ khách sạn dùng lò hơi nhưng khi thay thế bơm nhiệt thì tiết kiệm được năng lượng ngoài trời. Kết quả lượng dầu tiết kiệm được khoảng 60% so với thời điểm năm 2014 – là thời điểm nhà đầu tư tiến hành đánh giá, kiểm toán, lượng điện tiết kiệm được (sau khi thay thế bóng halogen để sử dụng bóng đèn LED được 89.000kWh/năm) . Nếu triển khai tốt theo cam kết của hợp đồng đạt 100% thì phải được hơn 1,5 tỷ đồng/năm nhưng chúng tôi thống nhất ở mức an toàn là khoảng 80% tương ứng với số tiền tiết kiệm là khoảng 1 tỷ 081 triệu đồng/năm từ tổng thể các giải pháp.
 
Ông Đỗ Đức Quân - Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục năng lượng, Bộ Công thương khẳng định, mô hình dịch vụ năng lượng ESCO được biết đến như một trong những phương án kinh doanh hiệu quả nhất hiện nay khi tất cả các bên tham gia đều có lợi. Trong đó, doanh nghiệp cần đầu tư thiết bị, giải pháp không phải bỏ ra nguồn vốn lớn mà vẫn tiết kiệm năng lượng, cải thiện được hiệu quả kinh doanh, chi phí đầu tư được thanh toán bằng chính nguồn tiền tiết kiệm được sau khi đầu tư giải pháp. Các khoản tiết kiệm chi phí năng lượng thường được sử dụng để trả lại vốn đầu tư của dự án trong vòng 5- 10 năm. Nguồn năng lượng tiết kiệm được đồng nghĩa với giảm lượng khí phát thải nhà kính vào môi trường, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên; Góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, giảm bớt biến động giá; Cắt giảm chi phí đầu tư, giảm phụ tải, giảm tổn thất, tăng lợi nhuận cho các nhà máy điện…
 
Lợi ích là thế, nhưng mô hình dịch vụ năng lượng ESCO chưa được ứng dụng rộng rãi tại Việt Nam vì rất nhiều lý do. Ông Đỗ Đức Quân cho biết, "mô hình ESCO đã được triển khai nhưng chưa được nhiều vì nó vướng nhiều cơ chế. Đầu tiên là nhận thức của doanh nghiệp. Doanh nghiệp mà nhận thức được thì cùng đầu tư để cùng chia sẻ các lợi ích từ TKNL mang lại, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp nhà nước. Sau đó là việc tiết kiệm được thì hạch toán thế nào, có được hạch toán không. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ cùng các cơ quan ban ngành nghiên cứu xem xét để tìm ra các giải pháp xử lý cụ thể".
 
Bộ Công Thương đang chủ trì thực hiện Dự án “Tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn tại Việt Nam” nhằm nhân rộng chương trình thỏa thuận tự nguyện (VA) giữa Bộ Công thương và các doanh nghiệp công nghiệp, đồng thời, giới thiệu và phát triển mô hình dịch vụ năng lượng ESCO nhằm thúc đẩy việc thực hiện các giải pháp TKNL trong các ngành công nghiệp vốn tiêu tốn nhiều năng lượng ở Việt Nam.
 
Nguồn: http://icon.com.vn/
Chia sẻ:
Facebook chat